Kế hoạch và binh lực Chiến_dịch_hợp_vây_Korsun–Shevchenkovsky

Quân đội Liên Xô

Kế hoạch

Bản đồ Chiến dịch hợp vây Korsun–Shevchenkovsky

Nguyên soái Liên Xô G. K. Zhukov nhận thấy chỗ yếu ở hai bên sườn của các đơn vị Đức thuộc Tập đoàn quân 8 của tướng Wöhler đóng tại Korsun khi các sư đoàn xe tăng chủ lực của Tập đoàn quân xe tăng 4 và Tập đoàn quân xe tăng 1 đang tập trung phản kích để cố gắng kiềm chế các mũi tấn công của quân đội Liên Xô vào Zhitomir-BerdichevKirovograd. Trong điều kiện hai bên sườn thiếu các sư đoàn xe tăng chủ lực, cụm quân này hoàn toàn có thể bị bao vây và tiêu diệt bằng phương pháp tương tự như ở trận Stalingrad.[26] Sau khi tập hợp các phương án, ngày 11 tháng 1, G. K. Zhukov trình kế hoạch kèm theo dự thảo chỉ lệnh của Đại bản doanh lên Bộ Tổng tư lệnh Tối cao Liên Xô (Stavka), Chỉ lệnh được I. V. Stalin ký ngay ngày hôm sau, 12 tháng 1. Nhưng kế hoạch cụ thể còn được Bộ Tổng tham mưu xem xét lại và tính toán kỹ lưỡng nhằm tránh các sai sót. Trong thời gian chờ đợi, tướng I. S. Konev đề nghị cho tiếp tục chiến dịch đệm Kirovograd để mở bàn đạp sâu hơn nữa về phía Tây. Bộ Tổng tham mưu Liên Xô buộc phải vạch rõ cho I. S. Konev thấy rằng việc tiếp tục chiến dịch đệm có thể làm hao tổn các cụm quân xung kích Liên Xô, đặc biệt là xe tăng khi nó rất cần cho cuộc bao vây quân Đức tại Korsun và I. S. Konev đã hiểu ra vấn đề.[29]

Kế hoạch của Quân đội Liên Xô dự định triển khai các lực lượng của Phương diện quân Ukraina 1 và 2 theo phương án hình thành vòng vây kép đối với cụm quân Đức ở Korsun. Vòng vây bên trong sẽ đảm nhiệm việc thanh toán đối phương bị vây. Vòng vây ngoài ngăn chặn các đòn phản công của các lực lượng Đức giải vây.[29] Đòn tấn công đầu tiên đồng thời là mũi chủ công của chiến dịch do Phương diện quân Ukraina 2 thực hiện. Tập đoàn quân 53 và Tập đoàn quân cận vệ số 4 sẽ tấn công từ phía Đông Nam. Tập đoàn quân xe tăng cận vệ số 5 sẽ khai thác cửa đột phá dưới sự yểm hộ của Tập đoàn quân không quân số 5 để tiến nhanh đến Zvenigorodka. Tập đoàn quân 52 và Quân đoàn kỵ binh cận vệ 5 đột kích sâu vào khu vực Korsun, không cho quân Đức từ bên trong ra cản phá. Từ hướng Tây Bắc, Phương diện quân Ukraina 1 của N.F.Vatutin sẽ triển khai Tập đoàn quân xe tăng 2Tập đoàn quân 27 tấn công ở tuyến trong. Tập đoàn quân xe tăng 6 sẽ khai thác cửa mở do Tập đoàn quân 40 đột phá với sự yểm hộ của Tập đoàn quân không quân 2 để phát triển vòng vây tuyến ngoài. Dự kiến các đòn tấn công hợp điểm sẽ gặp nhau trên tuyến Zvenigorodka - Olshanka - Novo Buda.[30] Để đảm bảo đánh chắc thắng, việc chuyển quân cũng bao hàm nhiều biện pháp nghi binh được chuẩn bị công phu. Các tài liệu Liên Xô khẳng định rằng các biện pháp này đã thành công trong khi các nhật ký quân sự của Đức lại cho thấy họ lo ngại về nhiều hướng tấn công của đối phương đang diễn ra cùng thời điểm đó.[31]

Ngày 19 tháng 1 năm 1944, Đại bản doanh Liên Xô phê chuẩn kế hoạch tấn công của các Phương diện quân Ukraina 1 và 2. Ngày 20 tháng 1, tại sở chỉ huy của I. S. Konev ở Boltochka và Sở chỉ huy của N. F. Vatutin tại Belaya Cherkov, các chỉ huy và chính ủy các tập đoàn quân, quân đoàn, sư đoàn độc lập của các Phương diện quân Ukraina 1 và 2 được phổ biến mệnh lệnh tác chiến.[32] Điểm mấu chốt nhất để thực hiện kế hoạch là yêu cầu các tập đoàn quân, quân đoàn độc lập phải bố trí tập trung binh lực, xe tăng và pháo binh tại các điểm đột phá chủ yếu trên chính diện tấn công; sao cho tối thiểu phải đạt được tỷ lệ áp đảo 1,7:1 về bộ binh, 2,4:1 về pháo binh, 2,6:1 về xe tăng và pháo tự hành. Đạn dược phải tích lũy được từ 10 đến 12 cơ số, xăng dầu tối thiểu phải đạt 18 cơ số, lương thực, thực phẩm, vật tư phương tiện y tế phải đạt 11 cơ số. Trong đó, ở tuyến tấn công phải bảo đảm ít nhất 8 cơ số đạn dược, 15 cơ số xăng dầu và 8 cơ số lương thực, thực phẩm và vật tư, phương tiện y tế.[33]

Binh lực

Quân đội Liên Xô huy động vào chiến dịch này 3 Tập đoàn quân xe tăng, 7 Tập đoàn quân binh chủng hợp thành, 1 quân đoàn kỵ binh cơ giới. Trong đó, các cụm quân xung kích đột phá gồm 27 sư đoàn bộ binh, 4 quân đoàn xe tăng, 1 quân đoàn kỵ binh cơ giới. Thê đội hai gồm 1 tập đoàn quân xe tăng, 2 quân đoàn cơ giới và 1 Tập đoàn quân bộ binh.

Phương diện quân Ukraina 2 do Đại tướng I. S. Konev làm tư lệnh đảm nhận hướng Shpola - Zvenigorodka, hướng chủ công của chiến dịch, huy động 6/10 Tập đoàn quân thuộc biên chế (kể cả không quân) tham gia chiến dịch:

  • Tập đoàn quân xe tăng cận vệ 5 của tướng P. A. Rotmistrov có 2 quân đoàn xe tăng cận vệ, 1 quân đoàn cơ giới cận vệ, 3 trung đoàn pháo tự hành, 2 sư đoàn bộ binh, 7 trung đoàn pháo xe kéo và súng cối.
  • Tập đoàn quân cận vệ 4 của tướng V. I. Galanin có 2 quân đoàn bộ binh và 4 trung đoàn pháo binh được phối thuộc Quân đoàn kỵ binh cơ giới cận vệ 5 và Quân đoàn xe tăng cận vệ 1.
  • Tập đoàn quân 47 của tướng V. S. Polenov gồm 2 quân đoàn bộ binh, 6 trung đoàn pháo và súng cối,
  • Tập đoàn quân 52 của tướng K. A. Koroteev có 2 quân đoàn bộ binh 1 lữ đoàn xe tăng, 2 trung đoàn pháo tự hành, 6 trung đoàn pháo xe kéo và súng cối; được phối thuộc Quân đoàn cơ giới 8.
  • Tập đoàn quân 53 của tướng I. M Managarov có 2 quân đoàn bộ binh, 1 trung đoàn pháo tự hành, 6 trung đoàn pháo xe kéo và súng cối; được phối thuộc Quân đoàn xe tăng 7.
  • Tập đoàn quân không quân 5 của trung tướng S. K. Gryunov dành phần lớn lực lượng không quân cường kích và tiêm kích hỗ trợ cho bộ binh và xe tăng.

Phương diện quân Ukraina 1 do Đại tướng N. F. Vatutin chỉ huy đảm nhận hướng tấn công Kosiakovka - Lysianka - Zvenigorodka, huy động 4/9 tập đoàn quân tham gia chiến dịch:

  • Tập đoàn quân xe tăng 6 của tướng A. G. Kravchenko được thành lập ngày 25 tháng 1 khi chiến dịch vừa bắt đầu, trong biên chế có 1 quân đoàn xe tăng, 1 quân đoàn cơ giới, 2 lữ đoàn pháo tự hành, 6 trung đoàn pháo xe kéo và súng cối.
  • Tập đoàn quân xe tăng 2 của tướng I. S. Bogdanov có 2 quân đoàn xe tăng, 1 quân đoàn cơ giới, 1 lữ đoàn xe tăng và 3 trung đoàn pháo tự hành.
  • Tập đoàn quân 27 của tướng S. G. Trofimenko có 1 quân đoàn bộ binh, 6 trung đoàn pháo xe kéo và súng cối.
  • Tập đoàn quân 40 của tướng F. F. Zhmachenko có 2 quân đoàn bộ binh, 1 trung đoàn pháo tự hành, 5 trung đoàn pháo xe kéo và súng cối.
  • Tập đoàn quân không quân 2 của tướng S. A. Krasovsky dành một phần lực lượng yểm hộ cho các cuộc tấn công trên khu vực.

Quân đội Đức Quốc xã

Kế hoạch

Xe tăng Tiger I của Quân đoàn xe tăng 3 (Đức), tháng 2 năm 1944

Qua các tin tức tình báo, Bộ tư lệnh Cụm tập đoàn quân Nam (Đức) đã phần nào nhận định được các cuộc tấn công sắp xảy ra nhưng mọi sự đều trong cậy vào các sư đoàn xe tăng. Trong số 14/18 sư đoàn xe tăng của Cụm tập đoàn quân Nam có mặt ở cánh Bắc thì có đến 7 sư đoàn đang đối phó với các Tập đoàn quân xe tăng 1 và cận vệ 3 (Liên Xô) trên hướng Proskurov (Khmelnitskyi) - Vinitsa, 5 sư đoàn đang đối phó với đòn tấn công của Phương diện quân Ukraina 2 trên hướng Uman - Pervomaisk, 2 sư đoàn đang nằm ở cách cực Bắc để phòng giữ hướng Rovno - Lutsk, một sư đoàn còn lại đóng ở Korsun. Trong tay Bộ tư lệnh Cụm tập đoàn quân Nam không còn một sư đoàn xe tăng rảnh rỗi nào làm lực lượng dự bị. Đòn tấn công sớm vào Gomel của Phương diện quân Byelorussia (Liên Xô) đã làm cho thống chế Ernst Busch buộc phải từ chối chuyển giao hai sư đoàn xe tăng thuộc Tập đoàn quân xe tăng 3 (Đức) cho Cụm tập đoàn quân Nam. Các sĩ quan tham mưu chủ chốt của Bộ tư lệnh Cụm tập đoàn quân Nam mặc dù biết trước sẽ có cuộc tấn công lớn của quân đội Liên Xô diễn ra trên khu vực nhưng lại không xác định được quy mô binh lực, hướng đột phá và thời điểm khởi sự của đối phương.[34]

Lợi dụng địa hình, Quân đội Đức Quốc xã đã biến khu vực Korsun - Shevchenkovsky thành một tập đoàn cứ điểm phòng ngự kiên cố. Ở phía Tây Bắc, đối diện với Phương diện quân Ukraina 1 (Liên Xô), dọc theo các khe lạch chảy ra các sông Gnigoy Tikich và Ros đều bố trí các tuyến rào thép gai có các bãi mìn chống tăng và mìn chống bộ binh, các chướng ngại vật chống tăng và các chốt hỏa lực tại các điểm cao. Các làng dân cư trong vùng đều được cấu trúc thành các cụm chốt, các hỏa điểm tạo thành một hệ thống liên hoàn. Cứ điểm tiền tiêu xa nhất tại Kagarlyk cũng được một tiểu đoàn bảo vệ. Ở phía Đông Nam, quân Đức tháo nước sông Tyasmin tạo thành một vùng ngập xung quanh nhà ga Smela. Dọc theo mặt trận, quân Đức lợi dụng sông Tyasmin để bố trí hai lớp phòng ngự dọc sông. Bên trong là các hỏa điểm kết hợp với hệ thống giao thông hào chạy dọc mặt trận. Các xe tăng cũng được đặt âm dưới đất tại đây. Bên ngoài là các hỏa điểm ven sông xen kẽ với các hàng rào kẽm gai, bãi mìn các loại, chướng ngại chống tăng và cũng có một hệ thống giao thông hào giữa các cụm chốt. Các trận địa hỏa lực được bố trí phía trong lớp phòng thủ thứ hai.[6]

Binh lực

Quân đội Đức Quốc xã đóng trên khu vực bị tấn công gồm có:

Tại khu vực "Vòng cung Dniepr"

Tập đoàn quân xe tăng 1 (cánh phải) của tướng Hans-Valentin Hube, gồm có:

  • Cụm tác chiến Quân đoàn 42 (1/3) của trung tướng Theo-Helmut Lieb, Phó tư lệnh quân đoàn gồm Cụm tác chiến độc lập B; các sư đoàn bộ binh 57, 82, 88; Trung đoàn pháo tự hành 202. Tổng quân số 30.000 người, được trang bị 147 pháo, súng cối và một số pháo chống tăng.
  • Cụm tác chiến Quân đoàn 7 của tướng Ernst-Eberhard Hell gồm các sư đoàn bộ binh 34, 75 và 198; Trung đoàn pháo tự hành 905. Tổng quân số 25.000 người, được trang bị 225 pháo và súng cối, 23 pháo tự hành.

Tập đoàn quân 8 (cánh trái) của tướng Otto Wöhler, gồm có:

  • Cụm tác chiến Quân đoàn 11 của tướng Wilhelm Stemmermann, gồm Sư đoàn xe tăng 3, Sư đoàn xe tăng 5 SS "Wiking", Lữ đoàn cơ giới SS "Wallon"; các sư đoàn bộ binh 72, 106, 112, 389; Trung đoàn pháo tự hành 239. Tổng quân số 35.000 người, được trang bị 319 pháo và súng cối, 19 pháo tự hành, 85 xe tăng, 7 pháo chống tăng.
  • Cụm tác chiến Quân đoàn xe tăng 47 của tướng Nikolaus von Vormann, gồm các sư đoàn xe tăng 3, 11, 14; các sư đoàn bộ binh 168, 255, 320, 332; Trung đoàn pháo tự hành 265. Tổng quân số 50.000 người, được trang bị 300 pháo và súng cối, 158 xe tăng, 25 pháo tự hành, 10 pháo chống tăng.

Đến ngày 28 tháng 1, Cụm quân Đức bị bao vây tại khu vực Korsun - Boguslav - Shenderovka gồm có:

  • Sư đoàn xe tăng SS "Wiking";
  • Lữ đoàn cơ giới SS "Wallon"
  • Sư đoàn xe tăng 14 (1/3);
  • Sư đoàn bộ binh 57;
  • Sư đoàn bộ binh 72;
  • Sư đoàn bộ binh 88;
  • Sư đoàn bộ binh 112;
  • Sư đoàn bộ binh 168;
  • Sư đoàn bộ binh 255;
  • Sư đoàn bộ binh 332;
  • Sư đoàn bộ binh 389.

Các đơn vị bên ngoài ứng cứu giải vây từ ngày 4 tháng 2 gồm có:

  • Sư đoàn xe tăng 1;
  • Sư đoàn xe tăng 3;
  • Sư đoàn xe tăng 11;
  • Sư đoàn xe tăng 13;
  • Sư đoàn xe tăng 14 (2/3);
  • Sư đoàn xe tăng 16;
  • Sư đoàn xe tăng 17;
  • Sư đoàn xe tăng SS "Adolf Hitler";
  • Các sư đoàn bộ binh 5, 355, 367, 381.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Chiến_dịch_hợp_vây_Korsun–Shevchenkovsky http://www.armchairgeneral.com/rkkaww2/maps/1944S/... http://www.armchairgeneral.com/rkkaww2/maps/1944SW... http://forum.axishistory.com/viewtopic.php?f=55&t=... http://search.barnesandnoble.com/booksearch/isbnin... http://books.google.com/books?id=_dAWAQAAIAAJ http://maps.google.com/maps?q=Korsun'-Shevchenkivs... http://maps.google.com/maps?q=Korsun'-Shevchenkivs... http://rus-sky.com/history/library/w/w06.htm#_Toc5... http://ww2stats.com/cas_ger_okh_dec44.html http://www.youtube.com/watch?v=P5YGBSEGWWo